Loạt bài viết của chuyên gia Lê Hùng về Bí mật chiến lược Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, tham khảo từ công trình của N.P. Romashkina- chuyên viên chính Trung tâm an ninh thế giới Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Viện hàn lâm khoa học Nga, phó tiến sỹ khoa học chính trị, giáo sư Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga đăng trên báo “ Bình luận quân sự độc lập” (Nga) và một số nguồn khác . >> Lưới lửa phòng không của Nga Cự ly bắn của các tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên: Tên lửa đạn đạo “Skud V”- 300 km, Tên lửa đạn đạo “Skud S”- 500 km, Tên lửa đạn đạo “Nodong” 1300 km, Tên lửa đạn đạo tầm trung -3200 km. Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa (Missile Defence -MD- từ đây xin được dùng từ viết tắt MD để bạn đọc đỡ mất thời gian) bố trí theo tuyến quy mô lớn toàn cầu (trong đó có hệ thông MD ở Châu Âu mà Mỹ mới quyết định tái triển khai chỉ là một bộ phận cấu thành) được Mỹ coi là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách và chiến lược của mình, là phương tiện hiệu quả nhất để vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo (của đối phương), là nguồn lực quan trọng để củng cố và tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự quốc tế của Mỹ. Mỹ sẽ lãnh đạo tiến trình này và ngoài việc bảo vệ lãnh thổ nước mình trước các đòn tấn công bằng tên lửa, giới lãnh đạo nước này cũng đã chính thức tuyên bố là việc bảo vệ lực lượng của Mỹ trên lãnh thổ các nước đồng minh và đối tác trước các mối đe dọa tên lửa khu vực là một lợi ích quan trọng sống còn của Mỹ. Phòng thủ chống các mối đe dọa tên lửa Trong thập kỷ gần đây, Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc thiết kế, chế tạo và triển khai các phương tiện kỹ thuật và hệ thống MD khu vực. Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Mỹ vẫn cho rằng các phương tiện hiện có rõ ràng là chưa đủ trong bối cảnh các mối đe dọa tên lửa tại một số khu vực đang ngày càng tăng thêm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là triển khai các tổ hợp, hệ thống MD trong tương lai gần (đến năm 2015) và tương lai dài hạn. Mối quan tâm chủ yếu được tập trung vào việc tăng số lượng các hệ thống như trên đồng thời duy trì xác suất xảy ra rủi ro kỹ thuật ở mức thấp nhất. Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ quốc phòng Mỹ quyết định mua thêm các tổ hợp và hệ thống MD đã được kiểm nghiệm qua tác chiến thực tế như tổ hợp THAAD (Terminal High Altitude Area Defense – THAAD), tên lửa chống tên lửa SM-3 thuộc hệ thống “ Aegis- MD và trạm rada AN/TPY-2. Giải pháp thứ hai cũng để thực hiện mục tiêu trên là tiếp tục hoàn thiện công nghệ. Đến thời điểm hiện tại tên lửa chống tên lửa “Standart-3” chỉ có thể phóng đi từ biển, nhưng đến năm 2015 sẽ có phiên bản mới của loại tên lửa SM-3 có thể phóng đi từ mặt đất để trang bị cho các tổ hợp “Aegis trên bờ”, điều đó sẽ tạo ra khả năng bảo vệ tốt hơn các khu vực được phân công bằng cách bố trí các tên lửa này ngay tại chính khu vực đó. Chúng sẽ tạo nên một hệ thống MD dày đặc tại các khu vực cần bảo vệ trước các tên lửa đạn đạo tầm trung của đối phương . Bộ quốc phòng Mỹ cũng đồng thời hiện đại hóa chính tên lửa chống tên lửa “Standart-3”. Đến năm 2015 sẽ có biến thể mới của “Standart-3 “là SM-3 Block IB với đầu đạn tự dẫn cải tiến nâng cao khả năng đánh chặn được đưa vào trang bị, đảm bảo tốt hơn việc nhận biết mục tiêu và mở rộng diện tích khu vực cần bảo vệ. Diện tích các khu vực được bảo vệ bởi các tên lửa chống tên lửa được triển khai cả trên biển và trên đất liền sẽ được tăng lên đáng kể bằng cách cải tiến công nghệ phóng theo các dữ liệu chỉ mục tiêu của các phương tiện thông tin từ xa. Mỹ cũng tiếp tục phát triển các hệ thống chỉ huy tác chiến và liên lạc đa năng (Command and Control, Battle Management, and Communications – C2BMC), tích hợp nhiều phương tiện thông tin khác nhau đảm bảo khả năng lập kế hoạch chiến dịch, thông báo tình huống và cảnh báo cho những người có trách nhiệm ra các quyết định ở tất cả các cấp. Sự phát triển như vậy sẽ gồm việc đưa vào sử dụng các cảm biến MD đang có và sẽ có, các phương tiện hỏa lực hiện có như THAAD, “Patriot”, các biến thể của SM-3 và GBI (Ground- Based - Interceptor). Những thiết kế mới như vậy sẽ cho phép thỏa mãn yêu cầu của các hệ thống MD ở các khu vực khác nhau và đồng thời cũng làm cho trường thông tin của Mỹ tương thích với các tổ hợp và hệ thống chống tên lửa mà Mỹ thiết kế chế tạo chung với các đồng minh và đối tác của mình. Còn một phương tiện nữa dự định sẽ triển khai nghiên cứu trước năm 2015, đó là hệ thống quang hồng ngoại điện tử lắp trên máy bay. Mục tiêu của dự án là đảm bảo đồng thời phát hiện và bám một số lượng lớn các tên lửa đạn đạo bằng các máy bay không người lái. Các máy bay này được phân công phạm vi không gian hoạt động và sẽ làm tăng đáng kể chiều sâu MD khu vực. Trong học thuyết mới của Cơ quan nghiên cứu phòng chống tên lửa của Mỹ mang tên “Đánh chặn sớm” có một nội dung nghiên cứu khả năng kỹ thuật tiêu diệt tên lửa ngay trong giai đoạn đầu (giai đoạn phóng) trên quỹ đạo bay của tên lửa bằng cách sử dụng các phương tiện hỏa lực và thông tin hiện có. Thay vì chỉ dựa vào các tên lửa chống tên lửa có kích thước lớn và tốc độ cao, các nhà nghiên cứu đề nghị giảm thời gian phản ứng của hệ thống phòng thủ chống tên lửa (gồm: thời gian truyền dữ liệu về mục tiêu, thời gian xử lý dữ liệu, thời gian ra quyết định về việc phóng tên lửa) để các phương tiện tiêu diệt tên lửa có thể đánh chặn được mục tiêu sớm hơn. Việc thực hiện học thuyết này sẽ đảm bảo việc có thể lặp lại việc bắn mục tiêu đang tấn công trong trường hợp lần đánh chặn đầu bị thất bại. Đến cuối thập kỷ này, Mỹ dự định nghiên cứu thiết kế các phương tiện hỏa lực và thông tin MD hoàn thiện hơn. Tên lửa chống tên lửa “Standart-3 “biến thể 2A (SM-3 Block IIA) sẽ có tốc độ phóng cao hơn và đầu tự dẫn hiệu quả hơn, có các tính năng kỹ- chiến thuật tốt hơn so với các biến thể SM-3 Block 1A hay biến thể SM- 1B và có khả năng mở rộng khu vực phòng thủ. Ngoài ra, Mỹ cũng xem xét cấp kinh phí để phát triển công nghệ “Bắn mục tiêu từ xa” trong tương lai trung hạn với nội dung chính là không chỉ phóng các tên lửa đánh chặn theo các số liệu từ nguồn thông tin từ xa mà còn có khả năng truyền các lệnh cho tên lửa đó từ các phương tiện thông tin khác, chứ không chỉ từ một nguồn dữ liệu duy nhất từ trạm rada trên tàu của hệ thống “Aegis”. Điều này sẽ cho phép đánh chặn được mục tiêu đang tấn công từ cự ly rất xa. Các dự án dài hạn cũng đang được thực hiện hướng tới mục tiêu là thiết lập hệ thống phương tiện quang- điện tử từ trên vũ trụ có thể bao quát được một khu vực lớn và một số lượng lớn các mục tiêu đang tấn công, đảm bảo phát hiện và bám mục tiêu trên tất cả (3) giai đoạn trên quỹ đạo bay của mục tiêu. >> Lưới phòng thủ tên lửa của Nga trong tương lai Một hệ thống như vậy sẽ làm giảm tải đáng kể cho các phương tiện thông tin trên mặt đất, cũng làm giảm đáng kể số lượng các tổ hợp và hệ thống MD cần có khi triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào đó. Một dụ án như vậy với tên gọi là PTSS đang được ưu tiên cấp kinh phí. Quy chuẩn sự đa dạng Nhìn chung, đặc điểm quan trọng nhất của chính sách của Mỹ hiện nay trong lĩnh vực hợp tác phòng thủ chống tên lửa khu vực là ý tưởng đưa ra được tối đa các phương án phòng thủ có thể có đối với từng trường hợp cụ thể. Căn cứ vào tính chất đặc thù về kiềm chế (hay còn được gọi là răn đe) và phòng thủ, số lượng các phương án sẽ phụ thuộc vào các đặc điểm địa lý, lịch sử và quân sự của khu vực, cũng như mức độ hợp tác (với Mỹ) và an ninh của từng nước tham gia vào chương trình phòng thủ chống tên lửa quy mô lớn của Mỹ . Khi thực hiện các chương trình MD khu vực, Mỹ có một số nguyên tắc sau: 1. Đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường cơ cấu kiềm chế khu vực trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và chia sẻ gánh nặng tài chính giữa Mỹ và các đồng minh. Các đồng minh của Mỹ cần phải biết cách thích ứng và tham gia vào các kế hoạch (của Mỹ) và các hoạt động nhằm củng cố an ninh chung và phải có đóng góp nhất định vào việc bảo vệ các lợi ích chung. Để đối phó với các quốc gia có vũ khí hạt nhân, nội dung kiềm chế khu vực sẽ bao gồm cả thành tố hạt nhân. Vai trò của thành tố này (hạt nhân) trong cơ cấu kiềm chế khu vực có thể sẽ được giảm thiểu trong trường hợp vai trò của hệ thống phòng thủ chống tên lửa và các phương tiện chiến lược khác tăng lên. Nhìn rộng hơn, Mỹ đang tìm kiếm các cách thức mới nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân. 2. Mỹ sẽ có cách tiếp cận linh hoạt theo từng giai đoạn đối với từng khu vực, có cân nhắc những vấn đề liên quan đến các mối đe dọa khu vực, trong đó có cả quy mô và ý định của đối phương hiện thực hóa các mối đe dọa đó; các phương tiện vô hiệu hóa các mối đe dọa hiện đang có và cần phải có. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng không nhất thiết phải bố trí ở tất cả các khu vực một cơ cấu phòng thủ chống tên lửa toàn cầu theo một mô hình duy nhất. Thay vào đó sẽ thành lập các cơ cấu khu vực hiệu quả và cân bằng giữa nhu cầu và khả năng. 3. Xuất phát từ thực tế là trong thập kỷ tới nhu cầu về các phương tiện phòng thủ chống tên lửa tại các khu vực có thể vượt quá khả năng hiện có của Mỹ, nước này sẽ chế tạo các phương tiện và hệ thống cơ động và có thể vận chuyển được. Điều đó cho phép nhanh chóng điều chuyển (các phương tiện và hệ thống đó) từ khu vực này sang khu vực khác trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Và như vậy, chỉ riêng khả năng triển khai nhanh chóng tiềm lực phòng thủ đã có tác dụng kiềm chế (răn đe) đối phương tiềm năng ở nhiều khu vực cùng một lúc. Khi áp dụng các nguyên tắc trên tại các khu vực khác nhau, Bộ quốc phòng Mỹ sẽ căn cứ vào cơ sở hạ tầng điều hành tác chiến toàn cầu của Lực lượng vũ trang Mỹ để lựa chọn vị trí triển khai các phương tiện phòng chống tên lửa. |
Home » Hệ thống phòng thủ tên lửa »
Tên lửa Mỹ
» >> Bí mật chiến lược Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (Kỳ 1)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 Response to ">> Bí mật chiến lược Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (Kỳ 1)"
Đăng nhận xét